Thương Mại Điện Tử 2006: Những chuyển động mới

10/06/2008

Sự phát triển khá ngoạn mục của TMĐT trong năm 2006 gắn chặt với thành tựu phát triển kinh tế nhanh và ổn định của Việt Nam. Thương mại tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ và là một nhân tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Năm 2006 đã đánh dấu sự hội nhập kinh tế quốc tế sâu sắc và toàn diện.

Năm 2006 có ý nghĩa đặc biệt đối với TMĐT Việt Nam – đây là năm đầu tiên các văn bản chính sách, pháp luật về TMĐT chính thức có hiệu lực. Kế hoạch tổng thể phát triển TMĐT giai đoạn 2006-2010 theo quyết định số 222/2005/QĐ-TTg ngày 15/9/2005 của Thủ Tướng Chính Phủ là văn bản đầu tiên mang tính định hướng cho phát triển TMĐT. Bên cạnh đó, Luật Giao Dịch Điện Tử, Luật Thương Mại (sửa đổi), Bộ Luật Dân Sự (sửa đổi) và nghị định TMĐT là những văn bản quy phạm pháp luật đã chính thức công nhận TMĐT từ góc độ pháp lý.

Có thể nhận thấy những nét nổi bật của TMĐT năm 2006 tại Việt Nam như sau:

1. TMĐT đã trở nên khá phổ biến dưới nhiều hình thức

Thực tế kinh doanh TMĐT tiếp tục mở rộng ra những loại hình mới, trong đó tập trung đến việc cung cấp nội dung, cho các phương tiện điện tử. Mặc dù mới triển khai, nhưng các hoạt động trong lĩnh vực này đã được triển khai rộng khắp và đem lại doanh thu đáng kể. Kinh doanh các dịch vụ giá trị gia tăng qua các thiết bị di động tăng nhanh, đặc biệt là các dịch vụ cung cấp nhạc chuông, hình nền, tra cứu thông tin. Nếu như 2005 là năm bùng nổ của trò chơi trực tuyến, thì 2006 có thể coi là năm được mùa của dịch vụ cung cấp giá trị gia tăng cho ĐTDĐ. Từ chỗ chỉ có gần như một nhà cung cấp dịch vụ duy nhất là VASC, đến nay đã có gần 50 DN tham gia dịch vụ này với doanh thu ước tính lên đến 250 tỷ đồng. Đây thực sự là một tốc độ phát triển mà không dễ ngành sản xuất, kinh doanh nào khác có được. Kinh doanh trong các lĩnh vực đào tạo trực tuyến, báo điện tử, cơ sở dữ liệu trực tuyến, trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác qua truyền hình, bình chọn kết quả thể thao, xem phim, nghe nhạc trực tuyến cũng tăng trưởng.

Cùng với số lượng người sử dụng Internet và thẻ tín dụng tăng nhanh, số lượng người tiêu dùng mua sắm qua mạng tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong giới trẻ ở khu vực đô thị. Tâm lý và thói quen mua bán bắt đầu thay đổi từ phương thức truyền thống sang phương thức mới của TMĐT. Việc bán vé tàu hỏa qua website www.vetau.com.vn là một động thái rất tích cực trong việc “buộc” người tiêu dùng phải quan tâm và tham gia TMĐT, dù ở mức đơn giản.

2. Đa dạng phương thức giao dịch TMĐT

Tiếp cận tới Internet băng thông rộng, đặc biệt là ADSL, ngày càng dễ dàng với chi phí hợp lý và yêu cầu cấp bách phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN khi Việt Nam thực sự bước vào sân chơi toàn cầu là hai yếu tố quan trọng thúc đẩy các DN quan tâm tới TMĐT. Trong năm 2006 phương thức giao dịch TMĐT B2B phát triển nhanh.

Với phương thức B2C, năm 2006 là năm đầu tiên xuất hiện hình thức website so sánh giá. Hình thức này không xa lạ trên thế giới, nhưng còn mới mẻ ở Việt Nam. www.aha.vn là website tiên phong đi theo hướng này. Ưu điểm của website so sánh giá so với một website bán hàng thông thường là cho phép người mua có sự lựa chọn đa dạng về nguồn cung cấp đối với cùng một mặt hàng, kèm theo đó là những điều kiện khác biệt về giá, chế độ khuyến mãi, bảo hành, giao nhận, thanh toán.

3. Khởi sắc trong cung cấp trực tuyến dịch vụ công

Trong bối cảnh hội nhập, Nhà Nước cũng cần thay đổi để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua quyết tâm hiện đại hoá nền hành chính, xây dựng chính phủ điện tử để phục vụ DN tốt hơn. Các cơ quan nhà nước trong thời gian qua đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong giao tiếp với DN, công dân. Hầu hết các bộ, ngành và địa phương đều đã có website, trong đó cung cấp nhiều thông tin đa dạng và cần thiết cho DN. Một số cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương đã bắt đầu cung cấp trực tuyến dịch vụ công ở mức đơn giản như cấp đăng ký kinh doanh điện tử, khai hải quan điện tử, đấu thầu mua sắm công, cấp chứng nhận xuất xứ điện tử, cấp phép xây dựng, tra cứu trạng thái hồ sơ, tra cứu thông tin quy hoạch…

4. Chậm ban hành các văn bản thi hành Luật Giao Dịch Điện Tử

Việc Chính Phủ ban hành nghị định số 57/2006/NĐ-CP về TMĐT ngày 9 tháng 6 năm 2006 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý về TMĐT. Nghị định này thừa nhận giá trị pháp lý của chứng từ điện tử trong các hoạt động liên quan tới thương mại. Đây là cơ sở để các DN và người tiêu dùng yên tâm tiến hành giao dịch TMĐT, khuyến khích TMĐT phát triển, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên tham gia, đồng thời cũng là căn cứ pháp lý để xét xử khi có tranh chấp liên quan đến hoạt động TMĐT. Nghị định về TMĐT là nghị định đầu tiên hướng dẫn Luật Giao Dịch Điện Tử và là nghị định thứ sáu hướng dẫn Luật Thương Mại sửa đổi được ban hành.

Nhiều bộ, ngành và các cơ quan có thẩm quyền có cố gắng lớn trong việc xây dựng các nghị định khác hướng dẫn thi hành luật Giao Dịch Điện Tử như nghị định về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số, nghị định về giao dịch điện tử trong lĩnh vực tài chính, nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động ngân hàng. Tuy nhiên, đến cuối năm 2006 vẫn chưa có thêm nghị định nào được ban hành.

5. Một số vấn đề tồn tại cản trở sự phát triển của TMĐT

Mặc dù đã được pháp luật công nhận, nhưng hiệu lực thực tế của các chứng từ điện tử không dễ được chấp nhận. Trường hợp bán vé điện tử của Vietnam Airlines là một ví dụ. Trước đây, vé máy bay (cuống vé) được coi là một loại hóa đơn, nhưng khi chuyển sang bán vé điện tử thì sẽ không có cuống vé, thay vào đó là những chứng từ điện tử được lưu giữ trong hệ thống thông tin của công ty hàng không. Mặc dù pháp luật coi chứng từ điện tử có giá trị “như văn bản” và “như bản gốc”, nhưng thực tế tổng cục Thuế chưa sẵn sàng chấp nhận các chứng từ điện tử này, chính vì thế mà Vietnam Airlines được yêu cầu khi bán vé điện tử vẫn phải kèm theo phiếu thu bằng giấy. Yêu cầu này làm cho vé điện tử chỉ là một giải pháp nửa vời, vì trái với mục tiêu giảm chi phí quản lý gắn với giấy tờ và gây khó khăn cho việc bán vé hoàn toàn qua mạng. Tuy nhiên, Vietnam Airlines mới chỉ là trường hợp đầu tiên. Những khó khăn của DN này cũng chính là những khó khăn mà các DN muốn triển khai TMĐT trong tương lai sẽ gặp phải nếu không được giải quyết ngay từ bây giờ.

Bên cạnh đó, một số quy định bất hợp lý cho TMĐT đã được DN nhắc tới từ những năm trước vẫn chưa được khắc phục. Những quy định về cấp phép thành lập website hay mua bán tên miền chưa phù hợp với thực tiễn vẫn còn tồn tại.

Cùng với tiến bộ công nghệ, sự phát triển phong phú, đa dạng của TMĐT luôn đặt ra những vấn đề mới cho hệ thống pháp luật về TMĐT: Sự bùng nổ của trò chơi trực tuyến dẫn đến nhu cầu xác định vị trí pháp lý của tài sản ảo; Các vụ tranh chấp về tên miền cho thấy cần có tư duy quản lý thích hợp với loại tài nguyên đặc biệt này; Việc gửi thư điện tử quảng cáo số lượng lớn đòi hỏi phải có biện pháp bảo vệ người tiêu dùng.

Vấn đề an toàn, an ninh mạng, tội phạm liên quan đến TMĐT cũng là một vấn đề đáng chú ý trong năm 2006. Sự phát triển của công nghệ cũng kéo theo nhiều hành động lợi dụng công nghệ để phạm tội, điển hình những là vụ tấn công các website TMĐT www.vietco.com, www.chodientu.com. Bên cạnh đó, tình trạng đột nhập tài khoản, trộm thông tin thẻ thanh toán cũng đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động TMĐT lành mạnh.

Trần Thanh Hải – Vụ Thương Mại Điện Tử, Bộ Thương Mại

Dành cho người bán


Dành cho người mua


Trụ sở chính (Tp.HCM)

35 Nguyễn Huệ, Phường Bến Nghé, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh
Tel: (028) 3911 7147
Fax: (028) 3911 7144
Website: https://www.payoo.vn
Email: support@payoo.vn

Văn phòng đại diện (Hà Nội)

Tầng 6, Tòa nhà NeLumbo, 114 An Trạch, Phường Cát Linh, Quận Đống Đa, Hà Nội
Tel: (024) 3736 8629
Fax: (024) 3736 8628
Giấy phép Hoạt động cung ứng Dịch Vụ Trung Gian Thanh Toán số 27/GP-NHNN ngày 23/11/2015